Dụng cụ làm xà phòng handmade

Dụng cụ làm xà phòng handmade
Dụng cụ làm xà phòng handmade

Dưới đây là danh sách các dụng cụ làm xà phòng handmade mà mình hay xài. Tại sao cần và có lưu ý gì không, tất cả là kinh nghiệm thật tế.

Bạn có thể coi lướt qua danh sách này. Mình sẽ giải thích cụ thể từng cái ở bên dưới (có lưu ý quan trọng ở cuối bài).

  1. Máy xay cầm tay.
  2. Cân.
  3. Nhiệt kế.
  4. Ca đo lường 1000ml (2 cái).
  5. Nồi trộn bằng inox hoặc thủy tinh.
  6. Muỗng (2 cái).
  7. Phới trộn.
  8. Khuôn xà phòng.
  9. Găng tay cao su (có thể dùng loại y tế hoặc loại để rửa chén).
  10. Kính bảo hộ.
  11. Khẩu trang.
  12. Tạp dề.
  13. Áo tay dài, quần dài.
  14. Khăn và giấy vệ sinh.
  15. Một nơi dễ dọn dẹp hoặc đồ để lót (Khăn trải bàn hoặc giấy báo, giấy carton).

Đối với các dụng cụ nói chung, có một số lưu ý quan trọng là:

– Bạn có thể xài thép không gỉ (inox), thủy tinh, nhựa, đá, gốm sứ (tráng men),… Quan trọng là nó phải chịu được nhiệt độ cao (nhất là thủy tinh và nhựa).

– Không được xài bất kỳ dụng cụ làm bằng nhôm, đồng, crôm, gang, sắt, kẽm, magiê. Vì lye sẽ phản ứng với nó.

– Không xài bất cứ vật liệu nào phủ Teflon: đó là chảo, nồi chống dính,…

 

Và bây giờ là chi tiết về từng dụng cụ

 

1. Máy xay cầm tay

Dùng để khuấy dung dịch kiềm và chất béo.

Cái này bắt buộc phải có, tại khuấy bằng cái này chỉ tốn mấy phút, còn khuấy bằng muỗng thì tới mấy tiếng lận.

Máy xay cầm tay
Máy xay cầm tay

 

2. Cân

Bạn có thể xài cân gì cũng được.

Tuy nhiên cân điện tử sẽ tiện lợi hơn nhiều, nhất là khi cần cộng thêm thành phần (có thể trừ về 0).

Mua tại đây »

Cân điện tử
Cân điện tử

 

3. Nhiệt kế

Dùng để đo nhiệt độ dung dịch kiềm và chất béo. Để bảo đảm nhiệt độ của nó ngang nhau và đủ độ.

Bạn có thể xài nhiệt kế thực phẩm hoặc nhiệt kế y tế loại laser (như trong hình) cũng được.

Mua tại đây »

Nhiệt kế đo xà phòng
Nhiệt kế đo xà phòng

 

4. Ca đo lường

Cần ít nhất hai cái, nên xài loại ca mỏ dài 1000ml, vừa dễ khuấy vừa dễ đổ.

– Một cái để đong dung dịch kiềm.

– Một cái để đong chất béo.

Nếu bạn trộn nhiều màu thì nên mua nhiều ca này, mỗi màu một ca, đổ vô khuôn tiện lắm.

Bạn cũng có thể mua thêm ca khác, ví dụ để đong tinh dầu (ca 50ml).

Mua tại đây »

Cốc đo lường mỏ dài
Cốc đo lường mỏ dài

 

5. Nồi trộn

Dùng để trộn hỗn hợp xà phòng, xài nồi nấu ăn bình thường là được.

Nhưng nên xài nồi inox, gốm hoặc thủy tinh, không được xài nồi nhôm (vì nó phản ứng với dung dịch kiềm).

 

Nồi trộn xà phòng
Nồi trộn xà phòng

 

6. Muỗng

Cần cần vài cái muỗng để múc nguyên liệu và khuấy dung dịch kiềm.

– Muỗng khuấy: Để khuấy dung dịch kiềm. Nó rất nóng, nên hãy xài loại bằng gỗ, nhựa chịu nhiệt hoặc inox.

– Muỗng thường: Để múc các nguyên liệu, tùy theo bạn cần mấy cái thì chuẩn bị.

Muỗng inox
Muỗng inox

 

7. Phới trộn

Là loại có đầu bằng silicon mềm mềm. Dùng để trộn hỗn hợp xà phòng (có máy nhưng vẫn phải xài phới).

Với lại để vét sạch xà phòng trong nồi và sửa lại xà phòng trong khuôn.

Mua tại đây »

Phới trộn bằng silicon
Phới trộn bằng silicon

 

8. Khuôn xà phòng

Bạn có thể xài loại khuôn có lót silicon, sau khi làm xong lấy ra rất dễ.

Còn nếu xài khuôn gỗ, khuôn mica mà không có lót silicon thì nên lót thêm giấy dầu hoặc giấy da bò. Để sau này dễ lấy xà phòng ra.

Mua tại đây »

Khuôn xà phòng handmade
Khuôn xà phòng handmade

 

9. Găng tay cao su

Tốt nhất là xài loại dài. Mình hay xài găng tay rửa chén.

Cái này bắt buộc phải có, tại vì dù cẩn thận tới đâu thì cũng sẽ dính lên tay thôi, rất là nguy hiểm.

Găng tay cao su để làm xà phòng
Găng tay cao su để làm xà phòng

 

10. Kính bảo hộ

Cái này cũng bắt buộc phải có. Thứ nhất là nó giúp tránh khí từ dung dịch bay vô mắt. Thứ hai là giúp tránh hỗn hợp bắn vô mắt trong lúc khuấy.

Mua tại đây »

Kính bảo hộ
Kính bảo hộ

 

11. Khẩu trang

Bạn nên đeo khẩu trang để tránh hít cái khí tỏa ra từ dung dịch kiềm (độc).

Chỉ cần đeo trong lúc làm dung dịch kiềm và lúc trộn hỗn hợp (dung dịch kiềm và chất béo) thôi. Sau đó thì không cần đeo nữa.

Khẩu trang phòng độc
Khẩu trang phòng độc

 

12. Tạp dề

Cái này có thì tốt mà không có cũng không sao.

Chủ yếu nó giúp che từ trên xuống dưới, lỡ có dính thì cởi ra cũng dễ. Vì dính trên quần áo thì cởi ra dễ bị dính vô người.

Mang tạp dề khi làm xà phòng
Mang tạp dề khi làm xà phòng

 

13. Áo tay dài, quần dài

Áo tay dài và quần dài rất cần thiết. Nhất là áo tay dài, vì khi khuấy xà phòng bằng máy nhiều khi nó văng lên.

Quần dài và áo dài tay
Quần dài và áo dài tay

 

14. Khăn và giấy vệ sinh

Để khi dung dịch hoặc hỗn hợp bị văng, dính ra ngoài thì lau.

Giấy vệ sinh thì lau xong rồi bỏ, khăn thì có thể giặt lại và dễ lau hơn.

Khăn và giấy vệ sinh
Khăn và giấy vệ sinh

 

15. Nơi dễ dọn dẹp

Sau khi làm xong bạn sẽ có nguyên mớ hỗn độn. Hỗn hợp xà phòng (không an toàn) dính tùm lum trên bàn và các dụng cụ.

Cho nên hãy làm ở chỗ dễ dọn dẹp, hoặc lót cái gì đó để làm xong thì gom bỏ cho dễ.

Rửa dụng cụ sau khi làm xà phòng
Rửa dụng cụ sau khi làm xà phòng

Lưu ý quan trọng:

– Bạn hãy chuẩn bị dụng cụ chu đáo trước khi bắt đầu, tại khi đã vào việc thì lu bu lắm. Và sau khi làm xong, hãy rửa sạch thật kỹ.

– Giữ trẻ em và vật nuôi tránh xa các nguyên liệu, dụng cụ.

– Bạn nên làm ở nơi thoáng khí, tốt nhất là ngoài trời. Nếu phải làm trong nhà hay phòng nhỏ, bạn nên cân nhắc gắn các quạt hút thông gió (hút khí ra ngoài).

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy cho mình biết ở phần bình luận bên dưới nhé. Và nhớ chờ phần tiếp theo: Hướng dẫn cách làm xà phòng.

Leave a Comment